Mô hình tưới tiết kiệm nước
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy lợi) Lê Thị Kim Cúc, hiện nay việc áp dụng tưới tiết kiệm còn rất hạn chế do thông tin về tưới tiết kiệm nước cho cây trồng, công tác chuyển giao công nghệ, đào tạo, nâng cao nhận thức cho người nông dân còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư, nhất là đầu tư ban đầu, đối với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn cao so với thu nhập của người nông dân và đòi hỏi có một kiến thức, trình độ nhất định khi sử dụng, trong khi động lực của người sản xuất chưa đủ lớn, cho nên chưa mạnh dạn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước. Thực tế đến nay, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước mới đạt được khoảng hơn 28.400 ha, trong đó tưới nhỏ giọt hơn 21.200 ha.
Giải pháp thúc đẩy Tại tỉnh Đác Lắc, bình quân mỗi vụ, người dân tưới nước cho cây cà-phê khoảng 4-5 lần theo hai hình thức tưới phun mưa hoặc tưới gốc, với khối lượng nước vượt quá yêu cầu 300-400 lít/gốc/lần tưới. Điều này không những gây lãng phí nước mà còn làm suy giảm độ phì nhiêu của đất. Áp dụng mô hình tưới tiết kiệm sẽ giảm được 20% lượng nước, như vậy mỗi năm tiết kiệm được khoảng 70,2 triệu m 3 nước. Riêng công tưới nước cho cà-phê, nếu tưới theo truyền thống cần khoảng 24 công/ha/năm, còn khi dùng biện pháp tưới tiết kiệm thì giảm được khoảng 15 công/ha/năm. Không chỉ riêng cây cà-phê mà cây hoa và rau cũng đang được người nông dân sử dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm thông qua công nghệ tưới nhỏ giọt và phun mưa.
Để nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm, thời gian tới, các địa phương cần hướng tới các lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao, như áp dụng các phương pháp tưới tiên tiến cho cây trồng cạn, thủy lợi cho thủy sản, ứng dụng khoa học công nghệ, với nâng cao nhận thức của nhân dân trong phòng chống thiên tai. Đồng thời tiếp tục rà soát, đề xuất giải pháp cấp nước tưới cho các cây trồng cạn có quy mô sản xuất lớn như cà-phê, điều, hồ tiêu.
Xây dựng các mô hình trình diễn về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ở khu vực cần ưu tiên cho các loại cây trồng cạn chủ lực. Thêm vào đó, các địa phương cần nghiên cứu cơ chế, chính sách về ưu đãi vay vốn cho hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp để áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; ưu đãi cho doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, cung ứng vật tư thiết bị, cấu kiện, hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính. Ngoài ra, gấp rút nghiên cứu quy trình tưới mới trên cơ sở các đề tài nghiên cứu đã có. Thực tế đã chứng minh, nghiên cứu về giống có thể chỉ tăng 5-10%, nhưng một hệ thống tưới thông minh có thể làm cây trồng tăng năng suất 30-50%.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 500 nghìn ha cây trồng cạn chủ lực được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, các địa phương cần phân loại từng cây trồng với từng kỹ thuật tưới sao cho bảo đảm phù hợp trong việc áp dụng vào thực tiễn. Tiến tới thành lập một cơ sở thiết kế, chế tạo những thiết bị tưới tiết kiệm nước vừa rẻ lại chất lượng, sử dụng lâu bền. Vấn đề nhân rộng các mô hình tưới tiết kiệm nước thành công cần được thực hiện một cách khẩn trương, bài bản; trong đó, mấu chốt là thành lập được mô hình liên kết hiệu quả Nhà nước – người dân – doanh nghiệp – viện nghiên cứu.
Giải pháp công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là một giải pháp hữu hiệu, có tính đột phá cho vùng khô hạn, thiếu nguồn nước và trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhằm gia tăng chuỗi giá trị nông sản, cải thiện đời sống người dân. Tiềm năng phát triển công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ở nước ta còn rất lớn cả về phạm vi và quy mô.
Chính vì vậy, việc triển khai xây dựng có hiệu quả các mô hình mẫu, mô hình trình diễn tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn gắn với nông nghiệp thông minh sẽ nâng cao đời sống vật chất người dân, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét