Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Thái Nguyên Áp Dụng Công Nghệ Tưới Phun Mưa Tự Động Trên Cây Chè


Năm 2011, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã thực hiện mô hình “Tổ hợp tác sản xuất chè vụ đông có sử dụng
công nghệ tưới phun mưa tự động”. Đây là một trong những phương pháp sử dụng công nghệ kỹ thuật tưới nước tiết kiệm được áp dụng rộng rãi trên Thế giới và mang lại hiệu quả cao. Mô hình được triển khai tại xóm Quỳnh Hội (Trung Hội, Thái Nguyên) với 7 hộ gia đình tham gia, quy mô 1 ha chè. Được biết, đây là xóm có diện tích chè tập trung, độ dốc trên 15m, bà con có trình độ thâm canh từ nhiều năm nay, nguồn nước tưới thuận lợi và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tổng kinh phí để thực hiện mô hình này là 200 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng. Mỗi gia đình được hỗ trợ số tiền 12 triệu đồng (bằng khoảng 50% giá trị đầu tư xây bể chứa nước và mua máy móc, thiết bị), còn lại là nhân dân đối ứng bằng tiền mặt và ngày công. Tham gia vào mô hình này bà con được đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm vận hành hệ thống tưới nước và bảo quản máy móc tại xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên). Trong quá trình đào lắp hệ thống ống ngầm dưới lòng đất đều có sự chỉ đạo và giám sát của các cán bộ kỹ thuật phòng Kinh tế – Hạ tầng. Anh Ngô Quốc Tự, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa, một trong những người trực tiếp tham gia mô hình cho biết: Hệ thống phun tưới nước được cấu tạo gồm 3 bộ phận: bể chứa cung cấp nước với diện tích 15m3, hệ thống ống dẫn dưới lòng đất và các vòi tưới phun mưa xoay tự động trong đường kính 8m. Nước được dẫn trực tiếp đến hệ thống vòi phun qua đường ống nên đã giảm thiểu tối đa việc thất thoát nước, duy trì được độ ẩm thường xuyên và hạn chế tối đa xói lở đất. Hệ thống được lắp cố định nên đã khắc phục được nhược điểm là làm gẫy, dập búp chè trong quá trình di chuyển đường ống như cách bơm tưới thông thường. Việc bảo quản hệ thống cũng rất nhẹ nhàng, hết vụ tưới chè vụ đông, bà con chỉ cần tháo những vòi tưới mang về nhà cất giữ. Theo tính toán của các cán bộ kỹ thuật, một hệ thống tưới phun tự động nếu được sử dụng và bảo quản đúng cách, bà con có thể dùng tưới chè trong vòng 10 năm. Ông Nguyễn Tấn Nam, một trong 7 hộ dân ở xóm Quỳnh Hội được lựa chọn tham gia mô hình, cho biết: Gia đình tôi có 1 ha chè cành. Trước đây, gia đình tôi vẫn tưới chè bằng phương pháp thủ công, sử dụng máy bơm từ giếng khoan rồi dẫn nước qua các ống nhựa mềm để phun trực tiếp lên các nương chè, rất tốn nước mà lại không đều. Từ khi tham gia mô hình, tôi thấy phương pháp tưới phun mưa bằng van xoay tự động có hiệu quả rõ rệt. So sánh với phương pháp truyền thống mà gia đình vẫn sử dụng thì phương pháp tưới tiết kiệm nước chỉ sử dụng lượng nước bằng 1/3, thời gian tưới giảm 2/3, đảm bảo độ ẩm tương đương nhau, công lao động phải sử dụng rất ít… Đặc biệt, khi sử dụng phương pháp này, tôi có thể kết hợp nhiều biện pháp chăm sóc thông qua hệ thống tưới như: phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ, vận chuyển và tưới phân vi sinh dạng lỏng; chủ động và nâng cao hiệu quả bón phân, phân bón được hòa tan, ngấm ngay xuống đất, tăng khả năng hấp thụ cho cây trồng… Sau hơn 2 năm áp dụng mô hình mới, vào các vụ chè đông, người trồng chè ở xã Trung Hội được thu hoạch 2 lứa, năng suất búp chè tươi đạt từ 10-12 tấn/ha/năm, phần giá trị tăng thêm kể cả tiết kiệm chi phí nhân công đạt xấp xỉ 20 triệu đồng/ha/năm. Qua ứng dụng vào thực tiễn, mô hình này được bà con đồng tình ủng hộ, nhiều hộ trồng chè ở xã Sơn Phú, Thanh Định, Bình Thành đã đầu tư hệ thống này nhằm tăng năng suất, chất lượng làm chè vụ đông.Việc tưới chè chủ yếu được bà con thực hiện vào mùa khô, một năm thực hiện 17-20 đợt tưới, mỗi đợt tưới tối đa 60m3/ha, thực hiện trong 1-2 ngày, 4-8 giờ/ngày, tùy theo tình hình độ ẩm của đất. Vì vậy việc trồng chè kết hợp mô hình tưới phun tự động ở Định Hóa là rất hợp lý, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Người trồng chủ động nước tưới theo đúng thời vụ và yêu cầu của cây chè, khắc phục được kỹ thuật tưới nước cho vùng đồi, nơi khan hiếm nước, không áp dụng được các biện pháp tưới thông thường bằng kênh dẫn. Phương pháp tưới phun mưa còn chủ động và nâng cao hiệu quả phân bón được hòa tan, ngấm ngay xuống đất, giảm khả năng thăng hoa của phân đạm, tăng khả năng hấp thụ của cây trồng. Đặc biệt, tưới phun mưa giúp tăng số lứa hái, tăng số lượng và chất lượng chè trong mỗi đợt hái khoảng 30%. Người trồng chè có thêm chè vụ đông – giá bán thường cao hơn vào dịp Tết, nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng chí Đàm Tiến Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT khẳng định: Với những hiệu quả từ phương pháp tưới phun mưa tự động mang lại đã giúp người trồng chè giảm bớt khó khăn. Giờ đây, trên một số nương chè ở Định Hóa, dễ dàng nhận thấy những vòi nước nhấp nhô, nước phun trắng xóa. Bóng dáng hàng chục nông dân với những vòi nước kéo lê trên các quả đồi để tưới nước cho cây chè từ lúc nửa đêm cho đến chập tối không còn nữa. Sự chủ động của người dân Định Hóa trong việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại trong thời gian qua là tín hiệu đáng mừng. Những ưu điểm của kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế vườn đồi, kinh tế trang trại, làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét