Ra đời cách đây khoảng 30 năm, kỹ thuật tưới nhỏ giọt được coi là một phương pháp tưới khoa học, kinh tế do tiết kiệm nước tưới, đã được áp dụng khá phổ biến ở một số nước. Không chỉ trong vườn thí nghiệm, phương pháp tưới nhỏ giọt đã được đưa vào sản xuất trong các nông trại, đặc biệt ở nơi thiếu nước, mang lại lợi tức lớn cho nhà nông.
Ra đời cách đây khoảng 30 năm, kỹ thuật tưới nhỏ giọt được coi là một phương pháp tưới khoa học, kinh tế do tiết kiệm nước tưới, đã được áp dụng khá phổ biến ở một số nước. Không chỉ trong vườn thí nghiệm, phương pháp tưới nhỏ giọt đã được đưa vào sản xuất trong các nông trại, đặc biệt ở nơi thiếu nước, mang lại lợi tức lớn cho nhà nông.
Một trong những nước có kỹ thuật tiên tiến nhất về lĩnh vực này có lẽ là Israel; họ đã chế tạo một hệ thống tưới nhỏ giọt hoàn chỉnh và cực kỳ thuận lợi, cho phép tưới nước tự động đúng lượng nước cần tưới trong một ngày, tưới đúng giờ cần tưới với các loại vòi tưới nhỏ giọt, vòi phun sương phạm vi hẹp, rộng, cao thấp... theo yêu cầu của từng loại cây trồng. Song do thiết bị còn quá đắt tiền nên tạm thời chưa được nông dân Việt Nam đưa vào sản xuất.
Ở nước ta, kỹ thuật tưới nhỏ giọt cũng đã được một số nông dân miền Trung áp dụng trong trồng cây trên đất cát ở phạm vi hẹp. Hệ thống tưới bao gồm một chiếc lu lớn có lỗ lấy nước ở đáy, được kê cao khoảng 50 cm, nước được truyền trên hệ thống máng tre, nứa có đục lỗ, nước nhỏ xuống gốc những bụi dưa hấu, bầu, mướp... Người ta múc nước đổ vào lu và hệ thống tưới hoạt động cho đến khi hết nước.
Mới đây các chuyên viên cây ăn trái trong nước và chuyên gia chương trình Phát triển Liên hiệp quốc UNDP đề nghị áp dụng mô hình tưới nhỏ giọt cho vườn cây ăn trái bằng vật liệu và phương tiện Việt Nam. Theo ước tính khuyến cáo, chỉ cần từ 2-3 triệu đồng là có một hệ thống tưới nhỏ giọt cho 1 ha cây ăn trái, điều kiện đồng bằng sông Cửu Long.
Vật liệu cần có
- Nguồn nước mặt hoặc nước ngầm.
- 1 máy bơm thông thường động cơ điện hay dầu, xăng, có khả năng bơm nước lên độ cao 3,5 m. Có thể lắp thêm rơle tự đóng mở (đối với hệ thống bơm điện để tự động bơm nước vào bồn).
- Ống nhựa PV cứng đường kính 30-40 hay 60 mm làm ống dẫn nước chính và loại đường kính 16-21 hay 26 mm làm ống dẫn phụ.
- Các phụ kiện lắp ráp hệ thống ống gồm các co, khúc nối thẳng, khúc nối chữ T, khúc nối giảm đường kính ống, ống van cánh bướm và keo để dán các khúc nối.
- Ống nhựa dẻo đường kính 16 mm hoặc nhỏ hơn và một trong những loại vòi phun tia li tâm, phun tia cố định, nhỏ giọt. Có thể chế đầu nhỏ giọt bằng ống và van của hệ thống truyền "nước biển" trong bệnh viện.
- Vật liệu làm bồn nước gồm: 4 hoặc 6 trụ ximăng, cây vuông hay cây tròn cũng được, dài 3-4 m, kèm theo các tấm đan dày làm miếng kê chống lún, chống mục cho cột. Một số cây làm dằng chéo các cột. Ít nhất cần có 8 cây đà dọc, ngang và 3-4 cây đà chịu lực đáy bồn nước. Ván làm vách thành và đáy bồn nước dày hơn 2 cm. 1 tấm vải bạt xe (mủ sọc) và một tấm mủ trong loại dày làm lòng hồ 2 lớp. Một khớp nối răng bằng thau hoặc bằng nhựa có đường kính phù hợp nối với đường kính ống chính; khớp này dùng để làm cửa lấy nước vì vậy cần có 2 miếng đệm mê-ka và 2 miếng đệm cao su chống rò rỉ nước. Cần 1 lưới lọc nước thô kiểu cái túi gắn vào phía trên cửa lấy nước. Một số vật liệu làm mái che bồn nước bằng chất liệu có sẵn, tole hoặc lá.
Thực hiện
- Dựng hệ thống cột, dằng chéo, đà ngang, dọc, sử dụng khoan bắt ốc hoặc đóng đinh 7-10 cm, dùng dây dọi, ống bọt nước để cân chỉnh các chiều thẳng đứng và mặt phẳng ngang.
- Đóng ván từ trong lòng hồ ra phía ngoài bằng đinh 5cm tạo cho vách bồn và đáy bồn thật phẳng, ở một tấm ván đáy có chứa lỗ lấy nước.
- Trải tấm vải mủ sọc và tấm vải mủ trong, ém kỹ cho sát vào góc và thành bồn. Tại vị trí lỗ định sẵn ở miếng ván đáy hồ, tiến hành tạo cửa lấy nước (đục thấu 2 lớp vải mủ) bằng đục tròn, luồn khớp nối răng trong ở dưới lên (đã lắp miếng đệm mê-ka và đệm cao su) tương tự lắp ống ra ngoài, siết thật chặt.
- Lấp hệ thống ống dẫn chính theo chiều dài thửa đất, truyền sang ống phụ theo líp bằng khớp nối chữ T giảm đường kính, lắp các ống nhánh tới các gốc cây và lắp vòi phun hay dụng cụ nhỏ giọt. Các vòi phun và lỗ nhỏ giọt hướng lên phía trên để tránh cặn làm tắc ống và dễ kiểm tra lưu lượng nước tưới, nơi gần nguồn bố trí lỗ nhỏ giọt nhỏ hơn nơi cuối nguồn.
Hiện nay trên thị trường có các loại bồn nhựa có dung tích lớn hơn hoặc bằng 1 m3 có nắp đậy rất tiện cho việc lắp đặt bồn và không phải thiết kế mái che.
Bảo quản và vận hành
- Tất cả đường ống chính và phụ cần được chôn sâu 20-30 cm để kéo dài tuổi thọ của ống, đoạn cuối của ống nhánh cũng cần được che phủ tránh nắng và rêu phát triển trong ống.
- Thường xuyên giặt rửa lưới lọc nước trên bồn.
- Sau mùa tưới, mở khóa đầu các ống nhánh, xả bỏ cặn sình toàn bộ hệ thống.
Nhận xét
- Ưu điểm quan trọng của hệ thống tưới nhỏ giọt giới thiệu trên là tiết kiệm nhân công, tiết kiệm nước tới mức tối thiểu nên tiết kiệm nhiên liệu hoặc điện bơm nước.
- Cây trồng phát triển tốt nhờ đủ ẩm độ và khả năng rút dinh dưỡng của rễ cây tốt, tránh hư hao cây giống lúc mới trồng, rút ngắn thời kỳ xây dựng cơ bản, hứa hẹn một vườn cây năng suất cao.
- Ở vùng phèn, mặn nước thấm từ trên xuống còn có tác dụng cân bằng môi trường đất, ngăn cản sự tích tụ của muối và phèn tạo điều kiện tốt cho cây phát triển .
Cấu trúc hệ thống tưới chủ yếu bằng máy móc vật liệu và công lao động sẵn có của nông dân, tiết kiệm vốn đầu tư cho giai đoạn mới bắt tay vào cải tạo vườn tạp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét